Động cơ quá nhiệt xuất hiện khi lượng nhiệt sinh ra vượt quá khả năng làm mát của toàn bộ các hệ thống làm mát. Động cơ quá nhiệt khi vận hành xuất phát từ nhiều nguyên nhân và rất hại khi sử dụng lâu dài. Sau đây là hệ thống các nguyên nhân có thể làm cho chiếc xe của bạn bị quá nhiệt.
Can thiệp đến động cơ sai kỹ thuật
Trong quá trình sử dụng ô tô, có những lúc chúng ta phải sửa chữa, thay thế và có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới động cơ làm cho động cơ làm việc không đúng như thiết kế ban đầu.
Đối với động cơ xăng có thể là thời điểm đánh lửa và tỷ lệ pha trộn giữa xăng và không khí có sự sai lệch. Nghĩa là góc đánh lửa quá sớm hơn hoặc trễ hơn, tỷ lệ giữa xăng và không khí lớn hơn hoặc nhỏ hơn đều là nguyên nhân làm động cơ nóng hơn.
Tương tự, Đối với động cơ diesel là thời điểm phun nhiên liệu và lưu lượng phun.
Nguyên nhân sâu xa hơn có thể là do tắc vòi phun, bơm nhiên liệu bị trục trặc, hỏng bộ điều áp, bugi/kim phun bị trục trặc, bộ cảm biến hay các đầu nối ống nhiên liệu bị hở khiến lượng nhiên liệu phun ra không đúng yêu cầu về lưu lượng cũng như áp suất phun. Các nguyên nhân có thể do con người đã có sự can thiệp một cách không đúng kỹ thuật cũng có thể các thiết bị có dấu hiệu bị lão hóa cần thay thế.
Một nguyên nhân khác có thể là do nguồn điện trong xe, ví dụ như điện áp quá thấp hoặc quá cao có thể làm mất sự ổn định của hệ thống dẫn động cơ nóng hơn.
Do điều kiện vận hành
Khi xe vận hành với điều kiện khắt nghiệt cũng là nguyên nhân dễ nhận thấy làm cho động cơ quá nhiệt. Xe hoạt động liên tục trong thời gian dài, hoạt động dưới điều liện nắng nóng, nhiệt độ mặt đường lên cao, hoặc xe chạy trong điều kiện dốc cao, liên tục, đường bụi nhiều, nhiều ổ gà, lồi lõm, xe chở quá tải trọng rất nhiều, kẹt xe liên tục trong thành phố, chạy tốc độ tối đa liên tục… lúc này nhiệt tích tụ trong động cơ trong khi năng lực làm mát/giải nhiệt của hệ thống không đủ đáp ứng yêu cầu lúc này.
Do hệ thống làm mát
Các ô tô hiện nay đều có 2 phương thức làm mát đó là làm mát bằng không khí và làm mát bằng dung dịch.
Các trục trặc của hệ thống làm mát dẫn đến làm suy giảm khả năng làm mát, điều này làm cho động cơ tăng nhiệt quá mức. Các nguyên nhân có thể do hỏng quạt làm mát, hỏng bơm nước làm mát, hỏng van hằng nhiệt, bục két nước, đóng cặn trong hệ thống, rò rỉ nước làm mát…
Các nguyên nhân từ nước làm mát: thiếu nước làm mát, nước làm mát quá bẩn sử dụng quá chu kỳ, sử dụng nước làm mát không đúng kỹ thuật, các thành phần có thể gây ăn mòn hệ thống làm suy giảm khả năng làm mát, sử dụng nước làm mát chứa nhiều khoáng chất (nước suối, nước máy, nước tự nhiên…) gây tích tụ cặn làm suy giảm khả năng truyền nhiệt của hệ thống (hệ số truyền nhiệt của cặn rất thấp so với kim loại)…
Thiếu việc vệ sinh, bảo dưỡng các hệ thống trao đổi nhiệt với không khí. Xe vận hành trong điều kiện mưa, đường bùn lầy sẽ làm gia tăng sự bám bẩn của bùn đất lên các hệ thống trao đổi nhiệt với không khí, làm suy giảm nặng lực làm mát.
Nguyên nhân liên quan tới dầu bôi trơn.
Dầu bôi trơn còn có chức năng làm mát cho động cơ, hộp số. Dầu bôi trơn đảm nhiệm ít nhất 40% nhiệm vụ làm mát.
Đối với dầu hộp số: hao hụt dầu hộp số mà không được bổ sung kịp thời trong thời gian dài, sử dụng sai loại dầu là nguyên nhân làm xuống cấp hộp số và làm nóng quá mức hộp số. Ví dụ dùng dầu hộp số tự động (ATF) cho hộp số sàn hoặc ngược lại, dùng dầu cầu có độ nhớt cao cho hộp số.
Đối với dầu động cơ:
Sử dụng dầu động cơ không đúng kỹ thuật: độ nhớt dầu động cơ quá đặc hoặc quá loãng so với yêu cầu của động cơ, sử dụng sai loại dầu nhờn, sử dụng dầu không rõ nguồn gốc, dầu có nguồn gốc tái chế, chất lượng thấp, sử dụng dầu động cơ không có phụ gia hoặc thiếu lượng phụ gia cần thiết…
Sử dụng dầu động cơ không đúng kỹ thuật có thể làm tăng sự ma sát -mài mòn, thiếu khả năng bảo vệ động cơ, ăn mòn, tạo cặn… làm tăng lượng nhiệt sinh ra.
Thiếu việc bảo dưỡng chăm sóc dầu động cơ: Đổ thiếu hoặc thừa dầu động cơ, hao hụt dầu động cơ do rò rỉ hoặc bay hơi mà không kịp bổ sung, sử dụng dầu quá chu kỳ thay dầu, thậm chí quên thay trong thời gian dài…